1. Web Marketplace - Sàn giao dịch TMĐT trên web: Mỗi bên hùng cứ một phương
Bắt đầu nhỏ lẻ và nhen nhóm từ đầu năm những 2000, những website rao vặt nổi tiếng một thời như: Raovatmuaban.com, Muabanraovat.com, Toitim.com, RaoVat,... cho đến năm 2005, 5giay.com (tiền thân của 5giay.vn hiện nay) chuyển mình và định hướng cho mình là diễn đàn thương mại điện tử đầu tiên tại VN, mở ra một câu chuyện mới về sàn giao dịch mua bán. Kể từ đó, thay cho các tin đăng chỉ có tính tương tác một chiều (người bán tự đăng tin rao vặt, người mua tự liên hệ mua bằng điện thoại), thì 5giay cho phép người bán và người mua tương tác bằng các hình thức: trả lời bài viết, up tin, chuyện trò trao đổi. Thậm chí thời gian đó, 5giay còn nổi tiếng và có một điểm đặc biệt khiến thành viên thích thú đó chính là box "Man cry - Khi người đàn ông khóc" nhằm xử lý các trường hợp buôn bán gian lận.
Năm 2006, 123mua.vn - sàn giao dịch TMĐT của VNG ra đời, hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn. Sản phẩm 123mua thời điểm đó được đầu tư bài bản, quy trình làm việc chuyên nghiệp, thế nhưng, sức hấp dẫn và độ phủ của 5giay vẫn mạnh mẽ hơn cả, có lẽ là do người dùng chưa kịp thích nghi với mô hình "siêu thị" trong khi họ đã quen với "cái chợ" 5giay, đơn giản hơn, xấu hơn, nhưng tiện dụng hơn nhiều.
Nếu như 5giay và 123mua là hai sản phẩm tiêu biểu trong thị trường phía Nam thì khi đó, ở thị trường phía Bắc, có bốn sản phẩm cũng làm mưa làm gió một thời, trong đó, ba sản phẩm thuộc Công ty Cổ phần VC Corp (Muare.vn, Rongbay.com, Enbac.com) và một sản phẩm từ Công ty Cổ phần Vật Giá Việt Nam (VatGia.com).
Năm 2006, Muare.vn được tách ra từ box Thị trường của diễn đàn TTVNOL, một trong những diễn đàn lâu đời nhất Việt Nam. Muare.vn là cộng đồng mua bán khá lâu đời và uy tín, được dựa trên nền tảng diễn đàn, nơi các thành viên đăng tải các thông tin sản phẩm để bán một cách công khai và nếu có khiếu nại, đều được mang ra giữa cộng đồng phân xử (Nôm na là giống 5giay).
Tiếp theo đó, Rongbay.com ra đời vào năm 2007, chuyên về rao vặt mua bán. So với các sản phẩm cùng thời trước đó, Rongbay.com có hệ thống đăng tin đơn giản nhưng chuyên nghiệp hơn, hệ thống tìm kiếm tin đăng hay sản phẩm được tối ưu hóa mang đến sự tiện lợi nhất đối với người dùng.
Tuy sinh sau đẻ muộn hơn hai anh (2008) nhưng Enbac.com lại làm nên dấu ấn tốt nhất đối với người dùng, đặc biệt là với nữ giới, những cô nàng yêu thích bán hàng thời trang trên mạng. Nếu như cùng thời điểm đó, khi đăng tin ở 5giay hay bất cứ sàn giao dịch nào, các sản phẩm thời trang chỉ được tải lên dưới dạng hình ảnh và tiếp nối nhau thành dải dài tràn lan trên một chủ đề, thì với Enbac.com, việc đó được giải quyết đơn giản hơn nhiều. Chức năng Lightbox bên cạnh chủ đề mua bán giúp người mua hàng xem các hình ảnh quần áo, phụ kiện một cách dễ dàng và trực quan, không bị lẫn với các nội dung khác.
Năm 2007 - 2008, Vatgia.com bắt đầu xuất hiện len lỏi vào các diễn đàn mua bán bằng hình thức quảng cáo qua Banner Ads. Thời điểm đó, Vatgia.com được biết đến như một trang rao vặt mua bán có đặc điểm nổi bật trong việc so sánh giá. Ngoài ra, VatGia.com còn khiến "giang hồ dậy sóng" một thời khi các kết quả tìm kiếm trên Google Search đều có sự xuất hiện của VatGia.com bằng một cách nào đó. Ví dụ như khi tìm kiếm "Nokia E72" thì thế nào cũng sẽ có kết quả từ VatGia.com trong từ 1 - 10 kết quả hàng đầu.
Về sau, có nhiều website theo sau những sàn giao dịch kể trên, học hỏi (và sự chọn lọc cũng có giới hạn) từ giao diện, đến hình thức, thế nhưng vẫn không tồn tại được lâu. Có một thời nhiều diễn đàn mua bán xuất hiện, chi rất nhiều tiền cho các hoạt động marketing nhưng vẫn chỉ có những nhóm nhỏ lẻ người dùng, cuối cùng cũng chết dần chết mòn để lại cuộc chơi cho 5giay & muare.
Bởi lẽ phải hiểu thì mới gắn bó với những dạng sản phẩm này lâu dài được.
2. Mô hình kinh doanh của Marketplace?
Hầu hết, nguồn doanh thu chính của các sàn giao dịch mua bán hay website rao vặt tại Việt Nam hiện nay vẫn là từ quảng cáo. Quảng cáo ở đây không chỉ giới hạn ở mức độ như hiển thị banner, tin VIP, chủ đề sticky,... mà còn các yếu tố khác như: chi phí đăng tin (SMS để trả tiền), up tin (để người dùng thấy tin được cập nhật).
Ngoài ra, bất cứ ai khi làm mô hình sàn giao dịch (trên nền web hay mobile) đều mong ước xa xôi đến một ngày có thể đạt được một con số nho nhỏ trung gian giữa các giao dịch được thực hiện. Ví dụ như, hàng ngày, website A có hơn 10.000 giao dịch với ước lượng giá trị khoảng 5 tỷ đồng. Người mua và người bán nay đã biết cách sử dụng thanh toán điện tử, và các giao dịch đó được chảy qua cổng thanh toán của website A. Website A lấy 1% phí xử lý các giao dịch đó, và cứ thế, mỗi ngày website A thu về 50 triệu đồng một cách ngọt ngào.
Đó cũng chính là đích mà các sản phẩm sàn giao dịch hướng tới. Quảng cáo - vẫn là nguồn thu hấp dẫn, nhanh chóng, ngắn hạn để nuôi ước mơ lớn này.
Nhưng người ta thường nói: Ước mơ chỉ là mơ ước. Làm thế nào để tối ưu hóa nguồn doanh thu từ các sàn giao dịch thương mại - bài học lớn này có thể được học từ Taobao.com - sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc hiện nay.
Theo một nghiên cứu thị trường vào tháng 7/2012 về "Online Retail tại Trung Quốc" của Li & Fung Research Centre (2), tính đến hết năm 2011, tổng giá trị giao dịch qua hình thức C2C được ước tính lên đến gần 97,2 tỷ USD (tương đương 595 tỷ Nhân Dân Tệ), chiếm đến 76,8% trên tổng giá trị thị trường bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc.
Taobao.com được đánh giá là kẻ thống trị khi thị phần mà Taobao.com sở hữu trong năm 2011 lên đến 95,1%, vẫn phát triển đều đặn ngay cả khi tốc độ phát triển chung của mô hình sàn giao dịch TMĐT tại Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại. Taobao.com cũng là chú lính chì "lì lợm" khi "hất cẳng" Ebay.com ra khỏi thị trường Trung Quốc một cách ngoạn mục. Doanh thu quảng cáo của Taobao.com đến năm 2010 là 3,26 tỷ USD (tương đương 20 tỷ Nhân Dân Tệ). (3)
Tuy có giá trị giao dịch lớn nhưng Taobao.com vẫn kiếm tiền và tối ưu hóa nguồn thu của mình bằng nhiều cách khác nhau. Việc đăng tin hay mua bán vẫn hoàn toàn miễn phí, thế nhưng Taobao.com tạo lập các sản phẩm và dịch vụ khác nhằm "bao vây" người dùng khó thoát khỏi "ma trận" của mình. Người dùng sẽ trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm hỗ trợ để tạo sức cạnh tranh cho gian hàng của mình cũng như mang đến sự tiện lợi nhất cho mình: Mua sắm có Taobao, rao vặt có Alimama, quản lý hàng hóa có Alisoft, trao đổi và mặc cả trực tiếp có Aliwangwang, thanh toán có Alipay. Như vậy, việc thu phí trên mỗi giao dịch là chuyện khả thi nhưng hoàn toàn không dễ thực hiện với thói quen thanh toán trực tuyến của người tiêu dùng Trung Quốc và Việt Nam. Thôi thì cứ kiếm tiền "lẻ" từ các dịch vụ giá trị gia tăng, lại có thể có được nguồn thu đáng kể để duy trì và phát triển công ty lớn mạnh.
Theo nguồn tin chưa kiểm chứng, mỗi tháng 5giay.vn thu về khoảng từ 1,5 tỷ đồng - 2 tỷ đồng tiền quảng cáo (banner ads, tin VIP, sticky,...). Ngoài ra, các dịch vụ nhỏ lẻ khác như đăng ký thành viên (15.000 đồng/tin nhắn để kích hoạt trở thành thành viên mới) và chi phí đăng tin, làm mới tin (thu bằng tin nhắn, chuyển khoản ngân hàng hay nạp tiền mặt vào tài khoản) mang về cho 5giay.vn những nguồn thu không nhỏ.
Tương tự điều này với các sàn giao dịch khác. Và dĩ nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện khi sàn giao dịch đó đáp ứng được:
- Số lượng lớn người dùng thường xuyên (đăng tin rao vặt, có các hoạt động mua bán diễn ra).
- Mức độ uy tín của sàn giao dịch (quản lý tin đăng chặt chẽ, có hỗ trợ xử lý các trường hợp gian thương khi xảy ra)
- Mang đến giá trị thật đối với người bán (có thể tiêu thụ hàng hóa trong một thời gian nhanh trên sàn giao dịch)
3. Mobile App Marketplace: Cơ hội vẫn mở dành cho những ai muốn viết nên đế chế mới của mình.
Đừng húc đầu vào tường mà làm thêm sàn giao dịch trên nền tảng web, bởi lẽ rồi thì các sản phẩm hiện tại sẽ tốt hơn theo thời gian. Hãy mở cửa cho mình và tự trao cho mình một cơ hội mới: sàn giao dịch mua bán trên điện thoại.
Thiết bị di động hiện nay gần như là công cụ giao tiếp không thể thiếu đối với bất cứ ai. Theo báo cáo mới nhất của eMarketer, một hãng nghiên cứu đến từ Mỹ (4) cho thấy: Tính đến tháng 12/2012, Việt Nam có khoảng 121,7 triệu thuê bao di động (bao gồm thuê bao trả trước và trả sau, cao hơn 30 triệu so với tổng dân số 92,5 triệu dân). Hãng này cũng dẫn chứng một nghiên cứu thị trường từ Nielsen vào tháng 3/2012 được thực hiện tại 5 thành phố lớn của Việt Nam và nhận thấy cứ 10 người sử dụng điện thoại tại các thành phố lớn này, thì có 3 người sử dụng smartphone (định nghĩa về smartphone đối với Nielsen: điện thoại có hệ điều hành và có thể truy cập Internet bằng các giao thức khác nhau). Theo báo cáo từ Cimigo Netizen 2012 (5), 56% người dùng Internet Việt Nam truy cập Internet qua điện thoại.
Theo nghiên cứu độc lập của Ericsson ConsumerLab vào tháng 8/2012, có 35% trên tổng số người dùng điện thoại ở Việt Nam sử dụng ứng dụng di động. Bên cạnh đó, báo cáo thị trường của MasterCard WorldWide Online Shopping 2012 cho biết, 32% người dùng Internet Việt Nam sẵn sàng thực hiện các thanh toán trực tuyến qua điện thoại của họ (bằng các hình thức khác nhau, thẻ tín dụng, thanh toán bằng SMS,...).
Những chỉ số trên cho thấy những cơ hội mở rộng đối với các ứng dụng trên di động nói chung và sàn giao dịch mua bán trên nền tảng di động nói riêng.
Những khó khăn/hạn chế của các sàn giao dịch trên nền tảng web hiện tại khi chuyển sang nền tảng di động:
1. Phải xây dựng lại sản phẩm cho phù hợp người dùng di động. Mọi thao tác trên thiết bị di động phải tiện lợi, nhanh chóng, đơn giản, dễ dàng hơn so với khi thao tác trên web. Dữ liệu liên thông giữa nền tảng web và di động phải đảm bảo được cập nhật tức thời để người mua và người bán có được sự tiện dụng nhất khi giao dịch thương mại.
2. Việc xây dựng sản phẩm mới có thể nhanh nhưng việc chuyển đổi dữ liệu được tích trữ vài năm nay trên web sang di động sẽ mất nhiều thời gian, nhiều rủi ro và khó tránh khỏi thất lạc hoặc mất dữ liệu ban đầu.
3. Đồng bộ hệ thống giữa web và nền tảng di động, từ thông tin thành viên, hệ thống thanh toán nếu có) và các dịch vụ đi kèm khác.
Hiện nay trên App Store và Google Play cũng đã xuất hiện những ứng dụng mang tên 5giay, Rongbay, 123mua,... thế nhưng số lượng người dùng vẫn hạn chế so với mức mong đợi ban đầu. Các players mới muốn tham gia cuộc chơi này, cần tìm hiểu rõ lý do tại sao để bản thân mình có thể rút ra các bài học kinh nghiệm và tăng tốc nhanh hơn. Không loại trừ lý do người dùng di động Việt Nam vẫn chưa quen với hình thức mua bán qua các ứng dụng sàn giao dịch.
Ở vai trò một người dùng, tác giả đang trông chờ những điều sau đây ở một ứng dụng di động sàn giao dịch thương mại điện tử:
- Ứng dụng đáp ứng NHANH nhu cầu cơ bản của người bán và người mua. Người bán: đăng tin nhanh, ứng dụng thông minh tự có thể đưa ra chi tiết sản phẩm, người bán chỉ cần cập nhật trạng thái sản phẩm, giá cả, địa chỉ giao dịch, số điện thoại,... Người mua: tìm kiếm nhanh sản phẩm phù hợp và liên lạc được với người bán một cách NHANH NHẤT (qua điện thoại, qua giao tiếp nội bộ trong ứng dụng...)
- Gamification để xác thực và tăng cấp độ uy tín của người bán và người mua. Không dừng lại ở mức độ người bán, người mua cũng cần có những điểm uy tín nhất định để tiện lợi hơn cho các giao dịch về sau.
- Các dịch vụ đi kèm có liên quan cần được phát triển mở rộng như: đấu giá, trao đổi hàng hóa (không giao dịch tiền mặt), bảo hiểm giao dịch, hệ thống thanh toán & giao nhận.
- Nếu ứng dụng có hình thức kinh doanh và nguồn thu chính từ QUẢNG CÁO, hãy mang quảng cáo đến người dùng cuối một cách thông minh. Người dùng sẽ hoàn toàn không thoải mái khi màn hình di động bé tí mà chi chít những banner ads không phù hợp với họ. Hãy nghĩ một cách khác để tiếp cận với người dùng qua quảng cáo.
Hiện nay trong tâm trí người dùng vẫn chưa có ứng dụng mua bán rao vặt nào thực sự dẫn đầu. Cuộc chơi và cơ hội vẫn còn mở rộng cho những ai bền chí. Nhưng phải NHANH lên vì hiện nay đã có khoảng 7 ứng dụng đang trong cuộc đua này. Thật may, vẫn chưa có ứng dụng tiên phong về số lượng người dùng và cũng chưa có ứng dụng nào khiến tác giả bài viết phải "WOW" khi sử dụng thử.
Bí quyết nhỏ xíu: Đừng bỏ qua Taobao.com, những gì học được từ sản phẩm này sẽ ứng dụng từ tốt đến rất tốt đối với sản phẩm bạn dự định làm đấy.
---
Các nguồn tham khảo trong bài viết:
(1): http://www.action.vn/tin-cong-nghe/ban-doc-viet/2984-thuong-mai-dien-tu-tai-viet-nam-ky-1
(2): http://www.funggroup.com/eng/knowledge/research/china_dis_issue98.pdf
(3): http://www.action.vn/goc-doanh-nghiep/tin-doanh-nghiep/3511-taobao-hat-cang-ebay-khoi-trung-quoc-bang-cach-nao
(4): http://www.action.vn/bao-cao-thong-ke/3338-internet-tai-viet-nam-phat-trien-kinh-ngac-di-dong-va-thuong-mai-dien-tu-tang-toc
(5): http://www.action.vn/bao-cao-thong-ke/2500-infographic-cuoc-chien-truyen-thong-xa-hoi-tai-viet-nam-facebook-da-vuot-qua-zing
(6): http://www.action.vn/tin-cong-nghe/ban-doc-viet/3474-mua-sam-tren-mobile-buoc-chuyen-moi-cua-thuong-mai-dien-tu
Một số ghi chú:
- Các sản phẩm/mô hình kinh doanh được đề cập bên dưới chủ yếu thuộc về thị trường Việt Nam. Nếu có nhắc đến các yếu tố nước ngoài khác, sẽ có thông tin đính kèm kế bên.
- Tác giả bài viết rất thích nghiên cứu về thị trường Thương mại điện tử Trung Quốc bởi những nét tương đồng có thể so sánh với thị trường Việt Nam. Vì vậy, hầu hết những ví dụ đi kèm sẽ hướng về TQ và các nước châu Á, tuyệt nhiên là vì ý thích, không nhằm mục đích khác. Vì vậy, nếu có những bình luận mang tích đả kích tiêu cực có thiên hướng chính trị, sẽ được xóa ngay lập tức.
- Marketplace: Sàn giao dịch thương mại điện tử, nơi bán hàng gặp người mua hàng. Bán hàng ở đây có thể là cá nhân hoặc chủ shop bán trực tiếp đến người tiêu dùng và không sử dụng kênh trung gian phân phối. Theo định nghĩa từ anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc khối TMĐT Công ty VC Corp (1): Sàn giao dịch TMĐT: bao gồm các website rao vặt, forum mua bán là các website mà người mua và người bán không có hoặc rất ít giao dịch điện tử, chỉ là nơi quảng bá thông tin sản phẩm/dịch vụ sau đó tiến hành giao dịch offline (rongbay.com, 5giay.vn, muare.vn, vatgia.com, enbac.com,...)
Trên đời làm j có j dễ dàng
Trả lờiXóaDu lịch