Bạn có thể dùng nó để mua bia ở Berlin, đặt bánh pizza ở Amsterdam, thuê taxi ở Edinburgh, mua bít tất ở Massachusetts hay thậm chí có thể dùng để trả chi phí cho một chuyến đi du lịch trên vũ trụ. Đó không phải là đồng USD, bảng Anh, euro, yên Nhật hay nhân dân tệ. Đó là Bitcoin - một loại tiền ảo, tiền điện tử không giống bất kỳ một loại tiền tệ nào. Và thứ tiền này đang làm nên một cuộc cách mạng lớn trên thế giới.
Tiền mà không phải là tiền
Vậy Bitcoin thực ra là gì? Khác với các tiền tệ trong thế giới thực, Bitcoin không được một ngân hàng trung ương nào phát hành, không có giá trị thực chất. Nó chỉ là các đồng xu dạng kỹ thuật số, được vận hành hoàn toàn bằng phần mềm, giao dịch phụ thuộc vào “hệ thống niềm tin” và dựa trên một sổ cái được xác nhận bằng mật mã và cùng duy trì.
Mọi giao dịch Bitcoin đều được ghi lại vào sổ cái giao dịch công khai (blockchain), trong đó ghi rõ ai đang sở hữu bao nhiêu Bitcoin và toàn bộ giao dịch trước đó của người này. Nhờ sổ cái này, không ai có thể sao chép một đồng Bitcoin và tiêu nó ở nhiều nơi.
Những người tình nguyện tham gia vận hành các máy tính duy trì sổ cái này được gọi là “thợ mỏ” (miner) và được hưởng phí giao dịch kèm đồng Bitcoin mới. Các “thợ mỏ” phải dùng máy tính cấu hình cực mạnh, chạy một chương trình đặc biệt để giải một bài toán mã hóa gồm các dữ liệu của một số giao dịch, hay nói nôm na là xác nhận một giao dịch nào đó có hiệu lực và đưa thông tin này vào sổ cái. Khi có càng nhiều đồng Bitcoin lưu thông và có nhiều người làm “thợ mỏ” thì công việc này càng phức tạp khiến họ phải căng sức chạy đua với nhau. Ai xử lý xong đầu tiên sẽ có 50 Bitcoin mới.
Bitcoin mới này được “thả” ra một cách tự động. Đến năm 2140, lượng Bitcoin được “thả” vào mạng sẽ đạt giới hạn trần là 21 triệu. Mục đích là đảm bảo nguồn cung Bitcoin thường xuyên, không cần bên thứ ba kiểu như ngân hàng trung ương phát hành và có thể dẫn tới siêu lạm phát. Hiện có khoảng 11 triệu Bitcoin lưu thông và mức thưởng cho “thợ mỏ” là 25 Bitcoin.
Bitcoin được “cất” bằng cách gắn chúng với các địa chỉ được gọi là “ví”. Ví có thể để trên các dịch vụ web, máy tính cá nhân, thiết bị di động hoặc bản in. Một khi đã tải ứng dụng Bitcoin về máy tính hoặc thiết bị di động, người dùng có thể thông qua đó để chuyển Bitcoin dễ dàng như gửi thư điện tử, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều sản phẩm, dịch vụ có thể dùng Bitcoin để thanh toán.
Bitcoin xuất hiện ngày 3/1/2009, do một người bí ẩn tên là Satoshi Nakamoto phát minh.
Bitcoin bùng nổ
Thị trường Bitcoin đang bùng nổ. Các nhà đầu tư đổ xô vào đồng tiền kỹ thuật số này. Từ lâu đã được những kẻ buôn bán ma túy, buôn lậu ưa chuộng vì có thể ẩn danh, nhưng gần đây Bitcoin đang thu hút được nhiều lượng “người hâm mộ” đáng ngạc nhiên. Đức coi Bitcoin là một “đơn vị kế toán”. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke xem Bitcoin là một tiền ảo “hứa hẹn” về lâu dài. Một Ủy ban Thượng viện Mỹ coi những loại tiền ảo là “dịch vụ tài chính hợp pháp”.
Ngày càng có nhiều cửa hàng, công ty chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin trong thời gian gần đây. Nhiều người Trung Quốc cũng đang tìm mua Bitcoin để giữ của. Điều này khiến giá của đồng tiền này tăng vọt. Điển hình là lần tăng giá vào ngày 27/11/2013 khi lần đầu tiên 1 Bitcoin vượt ngưỡng 1.000 USD trên sàn giao dịch MtGox ở Nhật Bản. Điều này gần như là khó tưởng tượng khi Bitcoin lúc đầu chỉ có giá chưa bằng 1 xu.
Tuy nhiên, giá trị của Bitcoin biến động “điên cuồng”, chạm 230 USD hồi tháng 4/2013, tụt xuống 70 USD ba tháng sau đó, trồi lên 600 USD rồi 1.000 USD vào tháng 11. Sự lên xuống ngẫu hứng này khiến người ta lo ngại về bong bóng Bitcoin. Nếu bong bóng này vỡ, người sử dụng Bitcoin sẽ đối mặt nhiều nguy cơ.
Hệ thống máy tính mà các “thợ mỏ” đang dùng cũng gây ra nhiều lo ngại. Hiện cấu hình tổng hợp của các máy tính này đã gấp 100 lần 500 siêu máy tính lớn nhất thế giới cộng lại. Nhu cầu của các “thợ mỏ” có thể gây ra một cuộc chạy đua không bền vững về máy tính cấu hình mạnh. Bản thân sổ cái cũng ngày càng cồng kềnh.
Ngoài ra, đã có nhiều vụ trộm, sự cố liên quan đến Bitcoin. Tình trạng ăn cắp này đã xảy ra trên các sàn giao dịch trực truyến cất giữ Bitcoin và chuyển đổi thành các tiền tệ khác. Lượng Bitcoin trị giá 1 triệu USD đã bị đánh cắp khỏi sàn giao dịch BIPS ở châu Âu. Sàn giao dịch GBL ở Trung Quốc cũng đột ngột biến mất trong tháng 10 cùng 4,1 triệu USD dưới dạng Bitcoin. Silk Road (Con đường tơ lụa) - một diễn đàn trực tuyến buôn bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp pháp bằng Bitcoin đã bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ đóng cửa hồi tháng 10.
Bất chấp những điểm yếu này, Bitcoin vẫn tiếp tục phát triển. Nó có thể bùng nổ như mạng Internet nhưng cũng có thể đi theo lối “diệt vong”.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét