Nhà bác học Isaac Newton, người đã khám phá ra trọng lực của trái đất và… từng tán gia bại sản vì chứng khoán đã đau đớn chấp nhận: “Có thể đo đạc sự chuyển động của những hành tinh chứ không thể đo đạc được mức điên rồ của con người”.
Phân tích kỹ thuật; cách khai thác biểu đồ giá cả để mua bán chứng khoán dựa vào tâm lý con người trên thị trường chứng khoán không thể chính xác. Ai muốn dùng AT (Analysis Technical) để tìm một cách phân tích cho họ thắng mỗi phi vụ mua bán sẽ mãi là những người đi tìm “lá Diêu Bông” trong thị trường chứng khoán. Họ sẽ mất thời gian và thất vọng.
Những tín đồ AT phải có một chiến lược quản lý tài chánh lỗ một mà lời ba, bốn thì mới sống còn trên thị trường được. (Xin tham khảo bài viết về quản lý tài chánh - money management của cùng tác giả.)
Những người bài xích bạo miệng hơn, còn nói rằng AT (Analysis Technical) chỉ có thể giải thích được quá khứ mà không thể giải thích được đường đi giá cả trong tương lai.
Họ nói đúng. Nhưng họ chỉ đúng được một phần. Vì càng biết rõ quá khứ một cổ phần chứng nào thì người ta dễ ước đoán đường đi của cổ phần đó chừng đó. Cũng như cuộc sống hàng ngày, càng biết rõ tính nết của một người thì chúng ta lại càng đoán được phản ứng của người đó.
Lý Thuyết Căn Bản.
Dân “ngoại đạo” xem biểu đồ chứng khoán vẫn thấy rằng giá cả không bao giờ đi một đường thẳng mà là lên xuống vô trật tự như răng cưa. Để giải thích hiện tượng này, ông Charles Dow, người được coi như là tổ sư của nghành AT đưa ra giả thuyết rằng có ba hạng người mua bán trên theo chu kỳ trong ba giai đoạn khác nhau: Hạng nắm biết được tin tức, hạng “ăn theo” và hạng đầu tư cá nhân.
Những người đầu tư có được thông tin từ trong nội bộ hay có những cách phán đoán được những công ty có triển vọng, mua cổ phiếu khi nó còn thấp để tích lũy.
Khi giới đầu tư mua cổ phần vào, cổ phần không thể rớt xuống thêm mà sẽ đi lên. Giới mua bán “ăn theo” nhận định được sự đi lên này mà cũng mua theo, cổ phiếu càng được nâng lên thêm nữa.
Khi tin tức được loan báo rộng rãi trên những phương tiện truyền tin, cổ phần được nhắc nhở đến vì đã tăng tưởng mạnh mẽ, những nhà đầu tư cá nhân mới chú ý và mua vào. Trớ trêu thay, đây cũng là lúc những người đầu tư hiểu biết lại bán ra cổ phần của họ.
Sau ba giai đoạn tích lũy, theo xu hướng và bị phân phối này, cổ phiếu bị rớt xuống, kẻ bán sau cùng sẽ là người bị thiệt thòi nhất.
Charles Dow viết những giả thuyết của ông năm 1900, lúc thị trường chứng khoán còn đơn giản. Thời nay khi có nhiều thành phần phức tạp và tinh vi hơn tham gia chứng khoán, cộng thêm nhiều yếu tố như toàn cầu hoá, khả năng bán khống (short sale), sự hỗ trợ của internet…như hiện nay thì giả thuyết này của Dow hết còn đầy đủ nữa mà phải giải thích bằng cách khác. Nhưng nó vẫn được sử dụng để làm nền tảng của nhiều cách phân tích kỹ thuật.
Đường support và resistance.
Khi bạn nhìn một biểu đồ giá cả, thì bạn phải xem nó như là xem một bức tranh thủy mặc; nhìn cái tổng thể trước, chi tiết sau. Điều đầu tiên cần biết khi xem một biểu đồ giá cả là xu hướng của nó. Một trong những cách tìm xu hướng là tìm ra đường support và resistance. Mời bạn xem biểu đồ.
Biểu đồ này xây dựng quanh hai trục giá (price) và thời gian (time).
Đường răng cưa là giá cả cổ phiếu.
Đường thẳng resistance ở trên là một đường tưởng tượng nối liền hai hoặc những mức giá cao nhất (resistance line)
Đường thẳng ở dưới nối liền những ít nhất mức giá thấp nhất (support line).
Dow cho rằng khi đỉnh và đáy “răng cưa” giá cả sau cùng cao hơn đỉnh và đáy “răng cưa” trước thì xu hướng cổ phần đi lên. Khi “răng cưa” giá cả sau cùng thấp hơn răng cưa trước thì xu hướng cổ phần đi xuống. Vậy xu hướng của biểu đồ cổ phần trên đây đang đi lên (up trend), bạn nên mua cổ phần khi giá cả chạm gần đường support.
Theo các chuyên gia AT, có thể xem như thị trường có ‘‘trí nhớ’’, mỗi khi khối lượng mua bán biến động mạnh thì giá mới vượt khỏi hai đường này.
Sau đây là một biểu đồ cổ phần đi xuống (down trend), bạn nên bán khi giá cả gần chạm đường resistance.
Nhưng ít khi nào xu hướng cổ phần đi lên hay đi xuống hoài, mà nó cũng ít khi giao động theo hai đường song song như vậy, khi nó xuống một thời gian thì nó lên và ngược lại. Cũng có thể bạn chỉ nhận định được đường support hay là đường resistance mà thôi. Bạn cũng nhờ đó mà ước đoán xu hướng dù nó không rõ rệt như có cả hai.
Sau đây là những biểu đồ của cổ phần đang có thể đổi xu hướng, đặc điểm của những biểu đồ sau là đường support và resistance hết còn song song mà đang chéo nhau trở thành những hình tam giác.
Hình Tam Giác Lên (Ascending Triangle còn gọi là Resistance Triangle):
Khi giá cả lên và cứ chạm mãi một mức giá cả rồi bị kéo xuống (resistance). Nhưng mỗi lần giá xuống thì được mua nhiều, đẩy cổ phần lên lại mau hơn, đường support không còn đi song song mà lại đi chéo lên. Hiện tượng này cho ta thấy rằng phe mua dần dần thắng thế, khi giá cả đến gần góc cuối hình tam giác thì có khả năng bị đẩy lên rất là nhiều.
Bạn có thể mua cổ phần ngay khi hình tam giác này mới hình thành và khi mà hình tam giác càng rõ ràng thì bạn có thể mua thêm khi đến cuối hình tam giác. Điều kiện mà giá sẽ vượt lên khỏi mức resistance là khối lượng mua bán đột nhiên dồi dào hơn phiên giao dịch bình thường.
Tam Giác Hạ (Descending Triangle, còn gọi là Support Triangle):
Trong trường hợp này thì phe bán lại nhiều hơn phe mua, giá cả cứ rớt xuống, chạm mức giá support rồi trồi lên. Nhưng mức giá lên của nó lại ít hơn và nó rớt trở lại đường support cũng lẹ hơn. Đến cuối góc tam giác, khi phe mua bị yếu thế hẳn thì khả năng giá cổ phần rớt rất là lớn.
Khi bạn gặp loại hình tam giác này, thì tốt hơn bạn cũng nên bán ra phân nữa cổ phần mà bạn đang giữ rồi bán tiếp phần còn lại khi mà khi giá cả rớt qua đường support vì khả năng hạ giá của nó rất mạnh và rất lâu.
Theo lý thuyết AT, hai biểu đồ trên đây (symetrical triangle và expanding triangle) thể hiện những nhà đầu tư trong trạng thái chờ đợi, hai bên mua bán đang trong trạng thái ‘‘bên tám lạng người nửa cân’’ chưa biết ai thắng ai thua. Bạn đừng nên mua bán mà nên chờ đợi như mọi người, khi giá cả vượt qua đường resistance hay support rồi mới tính sau.
AT được dùng để “giải mã ” quá khứ của cổ phần, cho phép người ta mua bán ngắn hạn, điều mà những cách phân tích khác không thể làm được. Nhưng họ vẫn phải ước đoán với tài năng của và kinh nghiệm bản thân vì AT không phải là một loại phân tích chính xác. Cũng có lẽ vậy mà chưa có chương trình tin học nào tự mua bán và đem tiền về cho người sử dụng được trong một thời gian dài và trong mọi trường hợp.
Người mới vào thị trường đừng nên mua bán kiểu rất ngắn hạn, day trading, swing trading mà ít nhất cũng phải từ thời gian trung bình, từ 3 tháng trở lên.